Bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam - Indonesia


Theo Đại sứ Phạm Vinh Quang chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joko Widodo là chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng, được tiếp nối từ chuyến thăm Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2017, đánh dấu quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn mới gần gũi, sâu sắc và toàn diện hơn.

Chuyến thăm lần này đã tổng kết lại giai đoạn 5 năm mà hai nước đã phát triển và xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược, đồng thời đưa ra chương trình hành động cho 5 năm tới, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu trong bối cảnh quan hệ hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. “Tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực”, Đại sứ Phạm Vinh Quang nhấn mạnh.

Nhìn lại mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia cho rằng, việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 6/2013 đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hai nước. Quan hệ hai nước đã phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, ký nhiều thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… Hai bên hiện đã ký hơn 30 hiệp định hợp tác trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên trao đổi, thúc đẩy hợp tác tại hai diễn đàn quan trọng là Ủy ban Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật và Ủy ban Hợp tác Song phương.

buoc tien moi trong quan he viet nam indonesia
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Joko Widodo,  ngày 12/9 tại Hà Nội. 

Bên cạnh các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng thường xuyên có các chuyến thăm và tiến hành các cuộc họp thường kỳ cơ chế Ủy ban Hợp tác Song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao. Hai bên cũng đã hợp tác chặt chẽ và tích cực tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Đặc biệt, qua rất nhiều trao đổi, tiếp xúc ở nhiều cấp khác nhau, lãnh đạo hai nước đều nhất trí tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực trong các vấn đề kinh tế, chính trị, an ninh quan trọng, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Nhận định lĩnh vực kinh tế, thương mại là một điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Indonesia, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Phạm Vinh Quang thông tin, những năm gần đây, hợp tác kinh tế giữa hai bên liên tục tăng trưởng ấn tượng. Từ năm 2012 đến năm 2017, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng bốn lần, riêng năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 16%. Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 và là nhà đầu tư lớn thứ 5 trong ASEAN vào Việt Nam, với nhiều dự án phát huy hiệu quả tốt.

Để đạt được mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020, Đại sứ Phạm Vinh Quang cho rằng, hai nước cần phải tập trung thúc đẩy các lĩnh vực vốn là thế mạnh của mình. Chính phủ hai nước cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa nhằm thúc đẩy thương mại song phương như xóa bỏ các rào cản và biện pháp bảo hộ thương mại không phù hợp với các quy định của thương mại quốc tế và khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ của hai nước dễ dàng thâm nhập và tiếp cận thị trường của nhau một cách rộng hơn.

--------------------------


Việt Nam - Indonesia: Hướng tới mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD

Chiều 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhân dịp Tổng thống thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN.  ​

Tổng thống Joko Widodo đánh giá cao Việt Nam trên cương vị nước chủ nhà đã tổ chức chu đáo, tạo nền tảng cho thành công của WEF ASEAN lần này, cho rằng đây là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển và ứng dụng các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ số.

tin nhap 20180912232853
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực, sâu rộng của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia sau 5 năm thiết lập; đánh giá cao việc ký Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2019 - 2023 nhân chuyến thăm và nhất trí giao các bộ ngành tích cực thực hiện hiệu quả, đạt các kết quả cụ thể hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2023.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng thông qua nhiều biện pháp, đặc biệt là tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ ATIGA và WTO, đẩy nhanh thủ tục thông quan hàng hóa, không đặt thêm các rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại đối với hàng hóa của nhau.

Indonesia hoan nghênh Việt Nam tiếp tục xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy hải sản, thép, điện tử… sang thị trường Indonesia. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ có cơ chế phù hợp để kịp thời giải quyết những vướng mắc và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong quá trình đầu tư kinh doanh, tạo kiều kiện thông thoáng cho đầu tư hai chiều.

Hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước nhằm sớm đạt được thỏa thuận cuối cùng phù hợp với cả hai bên và trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982; giúp mở ra cơ hội to lớn hơn trong lĩnh vực hợp tác biển, nghề cá giữa hai nước.

Hai bên khẳng định hợp tác chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng đánh bắt cá trái phép, đồng thời cam kết tiếp tục giải quyết vấn đề ngư dân, tàu cá trên tinh thần nhân đạo và quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp. Trên tinh thần đó, Tổng thống Indonesia đã thông báo sẽ trả tự do cho 155 ngư dân đang bị bắt giữ tại Indonesia.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường tham vấn về các vấn đề khu vực và quốc tế, phối hợp xây dựng ASEAN đoàn kết, tự cường và có vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.

Hai bên nhắc lại lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và dự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và thực chất.





  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​